Có lẽ không nơi nào trên mãnh đất Lào, ẩm thực Quảng Trị lại phong phú, đa dạng như ở huyện Sêpôn. Những món ăn từ lâu đã gắn bó với quê hương nắng gió nay lại xuất hiện như những món ăn quen thuộc nơi đây. Đó chính là những gánh bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, cháo cá Hải Lăng,… mang hương Việt đến với xứ người.
Trên con đường nóng như thiêu đốt, những người phụ nữ cùng với đôi quang gánh trên vai, cần mẫn đi khắp mọi bản làng để mưu sinh. Một ngày “kiếm cơm” của họ thường bắt đầu từ buổi sáng sớm để tránh cái nắng gay gắt trên đất bạn. Bản Phường (cách chợ Karôn chừng 4km) vào mùa này như một chảo rang khổng lồ. Con đường nhỏ dẫn vào bản đã quen bước chân của những quán hàng rong từ đất Việt. Những gánh cháo, những mẹt bánh được mang từ quê hương Quảng Trị sang tận đất Lào.Và chính đôi quang gánh cần cù ấy, không những góp thêm những món ăn lạ nơi đây mà còn quảng bá nền ẩm thực của quê hương.
Cư dân Lào sống sát biên giới vẫn “khoái” nhất là món cháo cá Hải Lăng. Có lẽ đây là lợi thế cho những gánh hàng rong này tồn tại mấy chục năm nay. Món cháo cá đã có những công thức nấu bí truyền mà chỉ người gốc Hải Lăng mới biết được. Chỉ ăn một lần là đã “ấm răng” và nhớ mãi!
Chúng tôi tìm đến gánh cháo cá của chị Trần Thị Thêm ở chợ Karôn. Chị Thêm là người gốc ở Diên Sanh (Hải Lăng, Quảng Trị), một nơi vốn rất nổi tiếng với món cháo cá danh bất hư truyền. Chị Thêm cho biết, cháo cá nổi tiếng khắp Quảng Trị nhưng chỉ ở Diên Sanh mới đạt đến độ tuyệt chiêu của nó. Người ta bảo: “chưa mê cháo cá Diên Sanh, chưa phải là dân Quảng Trị”. Cũng chừng ấy bột, chừng ấy nước, đồ gia vị, con cá lóc nhưng không nơi nào có bát cháo cá ngon như ở đây. Cái ngon của cháo cá Diên sanh mãi mãi là bí ẩn của một vùng đất.
Đến khi qua đất Lào làm ăn, chị Thêm cũng mang theo món cháo cá danh bất hư truyền ở Diên Sanh để tạo nguồn thu nhập chính. Món ăn vừa lạ lại rất ngon khiến đông đảo cư dân nơi đây đón nhận. Bởi thế, nhiều lúc họ thấy thiếu một tô cháo, liền bỏ thời gian chạy xe hết mấy cây số lên chợ Karôn để được thưởng thức.
Hiện nay, ở phố chợ Karôn, ngoài món cháo cá Diên Sanh, còn có sự góp mặt của gánh bánh lọc, bánh ướt thịt nướng,… làm phong phú thêm những đặc sản Quảng Trị trên đất Lào. Quảng Trị một thời từng gắn liền với khoai, với sắn. Nhưng sắn và khoai nếu biết chế biến thì sẽ trở thành những món ăn hấp dẫn không thua kém thứ ngon vật lạ của bất cứ nơi nào. Bánh lọc được làm từ tinh bột sắn nhưng muốn ngon phải nhồi nhuyễn. Nhân bánh được làm từ nhiều loại: thịt lợn, thịt gà, tôm, đậu xanh,… Bánh lọc được chế biến bằng cách, bọc trong lá chuối hoặc nắm thành từng nắm nhỏ rồi hấp. Từ lâu, bánh lọc đã trở thành món ăn dân giả, rẻ nhưng ngon và mang đậm nét đặt trưng của quê hương Quảng Trị. Nay cũng xuất hiện trên đất Lào như một món ăn quen thuộc của nước bạn. Trên mọi con đường ở huyện Sêpôn, món bánh lọc theo chân những gánh hàng rong có mặt khắp mọi bản làng.
Những nhà hàng ẩm thực Quảng Trị, những quang gánh dân giả của cư dân Quảng Trị, đã góp phần tạo nên “thương hiệu” cho thức ăn Việt ở xứ bạn Lào. Nhiều tiểu thương còn mạnh dạn đầu tư mở quán bán đồ nhậu, xôi xụm, gà nướng, lạp vốn là những món ăn quen thuộc của cư dân nơi đây, làm phong phú thêm khẩu vị của khách hàng. Vào một quán bán đồ nhậu, xôi xụm ở góc chợ Karôn, chỉ mấy bộ bàn ghế được sắp gọn gàng sạch tươm. Bên phải của quán ăn, luôn để những chậu nước nhỏ và khăn trắng. Thực khách muốn thưởng thức những món ăn như xôi xum, lạp, chân gà xiên que đều phải dùng tay bốc, do đó việc làm sạch tay trước khi sử dụng món ăn là điều quan trọng. Anh Quân (41 tuổi, Phong Điền, Huế), chủ quán ở đây vui vẻ cho biết: “mình mở quán cũng được 5 năm rồi. Đây là quán ăn dành cho cả người Lào và Việt. Là quán mở những món ăn truyền thống của người Lào song mình vẫn bán thêm những món ăn của quê mình cho sự lựa chọn của thực khách thêm phong phú”
Đâu chỉ những cư dân sống sát biên giới, những cư dân Việt ở phía bắc xa xôi cũng tìm đến mảnh đất này để định cư. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người đến đây làm dân cửu vạn, bán hàng rong, mở quán nhậu rồi cưới vợ sinh con. Hiện nay rất nhiều gia đình có 2 đến 3 thế hệ định cư ở khu vực ven chợ Karôn, Bản Phường hoặc xa hơn qua tận SêMun… Tất cả họ đã tạo nên một quần thể người Việt định cư tại đây. Và trên bước đường đi tìm miếng cơm manh áo, họ đã mang hương vị quê hương đến với xứ người!
(Theo Sài Gòn tiếp thị bộ cũ)Nguyễn Khánh, Lê Thị Hà

