Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam, vì vậy để đón năm mới, nhân dân có nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp. Sau một năm lao động vất vả, khi Tết đến Xuân về ai cũng rộn ràng chuẩn bị đón Tết với niềm tin năm mới sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho gia đình và người thân.
Các làng quê nông thôn hiện nay vẫn còn phong tục làm bánh Tết, người ta làm nhiều loại bánh để cúng tổ tiên và đãi họ hàng, bè bạn… Bánh Mè là một trong những loại bánh đặc sản ngày Tết của người dân Quảng Ngãi. Bánh Mè còn có nhiều tên gọi khác, như bánh bảy lửa ( vì làm bánh này từ khi chuẩn bị nguyên liệu đến khi thành bánh trải qua 7 lần lửa) hay như cách gọi dân dã là Mè cây (vì bánh có hình que, hình cây)…
Cách làm Bánh Mè rất công phu, trước tiên dùng gạo nếp xay thành bột rồi trộn với mè trắng, hoặc đen tùy ý. Tiếp theo nhào cho đều, nhuyễn và tán thành từng miếng mỏng khoảng 1 cm có hình tròn. Sau đó cho vào nồi hấp cho chín thì đem phơi vừa khô, cắt theo hình thoi hoặc hình chữ nhật dài, tùy thích. Sau đó phơi lại cho thật khô rồi đem chiên với dầu ăn cho vàng. Cuối cùng là sên đường lượng vừa phải rồi rim bánh sao cho đường bám chặt vào bánh là được. Ngoài ra, ở khâu chuẩn bị nguyên liệu có người không xay bột nếp, mà lấy nếp nấu thành xôi hơi nhão rồi trộn mè vào. Sau đó thực hiện các bước tiếp theo như trên.
Bánh mè ngon khi nhai dòn, có cả vị ngọt của đường, vị béo của dầu, mè và vị bùi của bột nếp. Tất cả cùng hòa tan ở đầu lưỡi tạo nên một hương bị rất riêng, dùng một lần sẽ khó quên. Đặc biệt trong ngày Tết, nhiều người tin rằng ăn Bánh Mè dòn thì trong năm với mọi việc sẽ trôi chảy, tốt đẹp.
Tết thời nay có nhiều loại bánh mứt được sản xuất từ các cơ sở, công ty bánh kẹo có chất lượng và mẫu mã đẹp. Nhưng với người dân nông thôn, bánh mè luôn có giá trị đặc biệt so với các loại bánh kẹo khác trong ngày Tết. Bởi loại bánh này không hề bán trên thị trường./.
Trần Thị Ngọc Diên (Sài Gòn tiếp thị bộ cũ)