“Vua” thạch ảnh Việt Nam
Tên thật của anh là Lê Đức Vỹ, 59 tuổi, hiện ở tổ 29, phường Thọ Quang, (Sơn Trà – TP. Đà Nẵng). Được hỏi về hành trình đi đến loại hình thạch ảnh, anh cho biết : “Ý tưởng làm thạch ảnh thoát thai từ hàng loạt các ý tưởng muốn làm ra những sản phẩm mới lạ, để đưa gia đình thoát cảnh nghèo khó. Cuộc chiến “mưu sinh” này, dẫn dắt tôi đi qua nhiều nghề như trang trí nội thất, rồi trang trí mỹ thuật…và tạm dừng lại ở những viên đá cuội tình cờ nhặt lên từ các con sông suối với vẻ đẹp hoang sơ với những gam màu kỳ bí ở các xã miền núi của huyện Hoà Vang ( TP. Đà Nẵng). Từ những năm 1995, tôi đã thành công việc phóng hình trắng đen lên đá, sau hơn 10 năm kiên trì, lận đận bỏ ra nhiều công sức, mồ hôi nước mắt, có nhiều đêm thức trắng, gia tài khánh kiệt ( nhà cửa cầm cố, bán xe máy, nợ nần chồng chất) để nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm…đề tài thạch ảnh này. Cuối cùng, vào giữa năm 2005, tôi đã thành công trong việc “phóng” ảnh màu vào đá. Đến nay, đã “xuất xưởng” gần 1000 tác phẩm trên các loại đá, vỏ ốc từ nhỏ đến lớn…”.Trước mắt tôi, trong các ngăn của hai tủ, dưới nền nhà… đã bày kín “thạch ảnh”, với những viên, tảng đá đẹp, mà trong đó đã có ảnh chân dung, tranh thuỷ mạc, tranh cổ điển như : le vieux guitarriste của Picasso, danh lam thắng cảnh Đà Nẵng như : Viện điêu khắc Champa, cầu Quay Sông Hàn …Hầu hết các tác phẩm này đều vinh dự gắn biểu tượng TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, anh rất say mê phóng ảnh của Bác Hồ kính yêu vào đá, vỏ ốc. Anh đã dồn hết tâm lực, trí lực để mỗi một viên đá có mang chân dung Bác đều có một vẻ đẹp độc đáo, mà trên các chất liệu khác chưa có được. Chân dung Bác Hồ, được anh Vỹ đưa vào vỏ ốc trắng ngần, hay những viên đá đẹp, càng tôn ảnh Bác thêm nét uy nghi, nhân hậu. Từ công nghệ độc đáo trên, nhiều người tôn anh là “vua” thạch ảnh Việt Nam. Vừa qua, Ngày 15 – 8 – 2007, anh Vỹ được Công ty cổ phần Kỷ lục Vietkings (một thương hiệu mới của Vietbooks) trao danh hiệu :” Người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam” .
“Công nghệ ” - độc nhất vô nhị
Anh còn cho biết :” Công đoạn phóng ảnh kéo dài từ 3h đến 5 h tuỳ theo kích cở của đá trên một tác phẩm, sau đó được tráng một lớp hoá chất bảo vệ chuyên dụng. Giá thành sản phẩm được tính 1 cm 2 = 35.000 đồng (đối với tác phẩm có diện tích dưới 10 cm2); 13.500 đồng ( đối với tác phẩm có diện tích trên 10 cm2). Kỹ thuật phóng ảnh này cho phép thực hiện trên các vật liệu có mặt phẳng sù sì, lồi lõm … để cho ra các tác phẩm đá có tính nghệ thuật cao, hình ảnh tươi sáng, trung thực. Ngoài ra, mỗi một viên đá, đều có những đường vân, gân đá, gam màu, độ tương phản khác nhau, chọn loại đá nào để phù hợp, hài hoà với nội dung tranh, ảnh … để tác phẩm toát lên được cái “hồn”, thì đòi hỏi phải có tính sáng tạo trong nghệ thuật rất cao”. Mỗi một tác phẩm, anh đầu tư 20% là làm thủ công và 80% là công nghệ kỹ thuật số phóng ảnh màu vào đá.
Mới đây, anh mới “phóng” thành công một ảnh Ché Guevera của Satanism - nhà Cách Mạng lỗi lạc Mỹ Latin vào vỏ quả dừa khô sù sì nhưng không kém phần ấn tượng và thích thú với sản phẩm lạ. Anh có ý tưởng sẽ “phóng tiếp” phần chú thích tiểu sử nhân vật một cách hài hoà ở những khoảng trống còn lại trên vỏ quả dừa để người xem vừa thưởng thức nghệ thuật, vừa biết được lịch sử, tiểu sử nhân vật. Đặc biệt, gần đây, ở thành phố Đà Nẵng có một “mốt” mới của đôi vợ chồng trẻ trong ngày cưới. Đó là đưa ảnh cưới vào đá. Một tác phẩm bằng đá có mang ảnh cưới của đôi tân hôn sẽ là một kỹ niệm sâu sắc, tuyệt vời cùng đồng hành với đôi vợ chồng cho đến ”100 năm hạnh phúc” và lưu truyền lại cho con cháu. Phải cần nói thêm, những cái đế ( kê tác phẩm) bằng chất liệu gỗ của anh rất độc đáo, đa số công đoạn làm bằng thủ công, không có cái nào giống cái nào. Đặt tác phẩm ưng ý vào những cái đế này sẽ làm tăng sức sinh động, bất ngờ của tác phẩm qua “cảm nhận” ánh sáng, góc độ của không gian 3 chiều. Ngoài ra, hàng trăm mặt dây chuyền bằng đá với nhiều màu sắc rất dễ thương có in hình chính bạn hoặc người yêu, người thân. Người Trung Hoa có quan niệm :”Thạch nhập sự thông” nên đầu năm mới tặng đá đồng nghĩa với cầu mong may mắn, hanh thông cọng với giá cả phải chăng nên những mặt dây chuyền này được giới bình dân, thanh thiếu niên ưa chuộng.
Mở ba Showroom thạch ảnh
Được sự quan tâm của lãnh đạo, chính quyền thành phố, anh có một phòng trưng bày thạch ảnh tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm pa ( 2 – 9 – TP.Đà Nẵng). Tại đây anh trưng bày hàng trăm tác phẩm độc đáo, mà từ trước đến nay, chưa lần nào xuất hiện mà anh đã cất công sáng tác hơn 1 năm qua, được đông đảo quan khách đến tham quan, bạn bè…đến chia vui, chiêm ngưỡng, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài cũng trầm trồ thán phục. Đợt sáng tác vừa qua, có nhiều tác phẩm mang chân dung Bác Hồ để tỏ lòng yêu kính, nhớ ơn Người. Với Showroom trưng bày thạch ảnh độc đáo này, người dân địa phương hoặc du khách đến thăm quan Đà Nẵng, có nhu cầu lưu tất cả các tranh, ảnh … vào đá, vỏ ốc… đều thực hiện được trong thời gian từ 3 – 5 h, tạo nên sự phong phú, đa dạng, độc đáo về mặt hàng lưu niệm bằng đá ở thành phố biển này, đồng thời góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Đà Nẵng, thu hút nhiều du khách đến với Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra, anh còn có showroom thạch ảnh tại thương xá VĩnhTrungPlaza ( đường Hùng Vương) và quầy hàng trưng bày thạch ảnh tại Cà phê Trúc Lâm Viên ( đường Lê Đình Dương). Mục tiêu sắp tới của anh là thiết lập các quầy thạch ảnh tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ và tương lai, nếu có điều kiện, sẽ thiết lập các showroom tại nước ngoài, qua thạch ảnh để quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
Nhớ ơn công lao trời biển của Bác Hồ
Với việc phóng ảnh Bác Hồ vào đá, anh Vỹ tâm sự:“Từ trước đến nay, chân dung của Bác được xuất hiện nhiều trên các chất liệu khác nhau. Tuy nhiên phóng chân dung màu của Bác lên đá bằng công nghệ kỹ thuật số, thì chưa hề có. Trong khi, đá là chất liệu bền vững với thời gian, phóng ảnh Bác lên đá, là để chân dung Bác được trường tồn mãi mãi, thể hiện sự tôn kính, trân trọng, nhớ ơn công lao trời biển của Người…”- anh Vỹ bộc bạch.
Hoà Vang
_jpg.JPG)